Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

Bảo vệ thương hiệu trong “bão”

Giới doanh nghiệp nói vui: “Cùng với khủng hoảng kinh tế, hình như làng kinh doanh đang vào “mùa” khủng hoảng uy tín thương hiệu”.

Mới chỉ mấy tháng đầu năm 2010, đã có liên tiếp những scandal, những cuộc khủng hoảng uy tín từ những tập đoàn hàng đầu thế giới như Toyota, HSBC, Ford... đến các doanh nghiệp trong nước. Nhìn các doanh nghiệp phải loay hoay chống đỡ những “trận bão tố” từ truyền thông và công luận, mới thấy bảo vệ thương hiệu không còn là chuyện phòng xa”.

Câu chuyện của Mỹ Châu

Báo chí tại Việt Nam đã tốn rất nhiều giấy mực trong thời gian qua xung quanh Nhà thuốc Mỹ Châu (TP.HCM). Chuỗi nhà thuốc được cho là quy mô nhất TP.HCM hiện nay bị cho là có nhiều sai phạm trong việc kinh doanh bán lẻ dược phẩm.

Chỉ sau đợt kiểm tra bất ngờ, tổng lực của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vào ngày 7/1/2010 đối với toàn hệ thống Mỹ Châu, các phương tiện thông tin nhanh chóng đăng tải hàng loạt bài viết bất lợi, làm “rung chuyển” niềm tin của không ít người tiêu dùng đối với thương hiệu này - nơi mà bấy lâu nay họ gửi gắm niềm tin về sức khỏe của mình.

Trước “làn sóng” công kích nặng nề này, những người kinh doanh trong ngành dược phẩm hoặc có liên quan đến vụ việc đều thấy Mỹ Châu bị “đánh” oan. Những chứng cứ thực tế về pháp lý cho thấy bản chất thực sự của vụ việc không hoàn toàn đúng như những gì một số đơn vị báo chí đã “buộc tội”.

Điển hình nhất là quyết định xử phạt của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM dành cho Mỹ Châu. Nếu căn cứ vào quyết định này, sẽ thấy Mỹ Châu không sai phạm nghiêm trọng như những thông tin “khủng khiếp” mà một số đơn vị truyền thông đã đăng tải. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết, họ vẫn còn thấy bị xử phạt quá nặng so với sai phạm thực sự, nên sẽ tiếp tục khiếu nại để bảo vệ uy tín của mình.

Nhìn lại sự vụ, nhiều người đánh giá Mỹ Châu ứng phó với khủng hoảng quá chậm. Trong khi các thông tin bất lợi tràn lan trên mặt báo, thì công chúng hầu như không được nghe tiếng nào phản ứng, phản hồi từ phía doanh nghiệp.

Lý do, bà Lê Thị Mỹ Châu - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Dược Minh Phúc - chủ quản lý hệ thống Mỹ Châu - cho biết: “Chúng tôi có quá nhiều việc, nhiều áp lực phải giải quyết. Hơn nữa, chúng tôi không có công cụ để bảo vệ mình trước công luận. Không có đơn vị báo chí nào tìm đến chúng tôi để đối chiếu thông tin hay lắng nghe phản hồi cả”.

Hơn nữa, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều chưa quan tâm, chưa có kỹ năng ứng phó với khủng hoảng uy tín thương hiệu, nên khi “bão tố” xảy ra, sẽ chỉ biết “gồng mình” chịu đựng thiệt hại từ “búa rìu dư luận”, xoay xở đầu này, đầu kia trong sự lung túng.

Rất ít doanh nghiệp may mắn được cơ hội để phản hồi và được công luận lắng nghe “nỗi niềm” và ít doanh nghiệp sử dụng công cụ truyền thông ứng phó với khủng hoảng hiệu quả. Và sau cơn “bão tố”, có những doanh nghiệp bị rơi vào khốn khó, tan hoang, phải bắt đầu vất vả xây dựng lại niềm tin với người tiêu dùng, dù mình bị oan ức hoặc bị đối thủ cảnh tranh “chơi xấu”.

Đi tìm sự công bằng?

Theo một thống kê về vụ khủng hoảng uy tín của một thương hiệu nước giải khát tại Việt Nam gần đây, doanh nghiệp này đã phải “gồng mình” gánh chịu gần 2.000 tin tức và bài báo bất lợi cho mình. Con số này không chỉ là gánh nặng, mà còn là “sự hủy diệt” khi hầu như mỗi ngày, người tiêu dùng cứ tiếp nhận những thông tin xấu về thương hiệu.

Phần lớn “cơn bão” khủng hoảng trên truyền thông nổ ra ngay khi vụ việc chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về chuyện doanh nghiệp có thực sự sai phạm hay không. Đến khi có kết luận chính thức, dù bị oan khuất, thì thương hiệu đã bị thiệt hại quá nặng nề rồi.

Khách hàng nhộn nhịp trở lại với Mỹ Châu sau khi doanh nghiệp này được minh oan

Trường hợp của Mỹ Châu cũng vậy. Hàng loạt thông tin vô căn cứ về doanh nghiệp này đã “bùng nổ” khi chưa có kết luận sai phạm từ cơ quan chức năng. Đến khi doanh nghiệp cầm quyết định xử phạt chính thức và đơn từ kêu oan, thì sự hoài nghi của công chúng đã quá lớn. Cũng rất ít người dám đi ngược chiều dư luận để bênh vực cho doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp cơ hội giãi bày trước công luận.

Trong trường hợp này, câu hỏi đặt ra là: Làm sao để bảo vệ doanh nghiệp trước sự “tấn công” quá sớm và chủ quan của giới truyền thông và công chúng? Khi doanh nghiệp được chứng minh là vô tội, liệu có cách nào rút lại những lời lẽ, thông tin và cả những phán xét nặng nề trước kia?

Đó hẳn là những câu hỏi không ít lần đã được đặt ra. Câu trả lời hiện giờ chỉ là trông chờ vào sự công tâm, nghiêm túc của những người cầm bút và sự tỉnh táo, khách quan của công luận. Khiếu nại, ai cũng biết là không dễ dàng và thuộc dạng “sự đã rồi”.

Từ những trường hợp trên, cho thấy, khái niệm “bảo vệ thương hiệu” cần phải được doanh nghiệp chú trọng hơn. Trong quá trình xảy ra khủng hoảng, cần kỹ năng, kiến thức và bản lĩnh ứng phó để hạn chế thiệt hại thay vì bị động hứng chịu hoặc đối phó kiểu cảm tính. Trở lại với trường hợp vừa qua của hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu, rất nhiều bài học cho chính Mỹ Châu nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung.

Sau “bão”, đã thấy những tín hiệu tích cực trở lại cho doanh nghiệp này. Sau nhiều nỗ lực chứng minh mình bị oan trái và cố gắng bảo vệ uy tín thương hiệu, Mỹ Châu đã giữ được niềm tin của những người tiêu dùng thân thiết và thu hút khách hàng quay trở lại với mình. Sau “bão”, cũng có thể là những cơ hội mới nếu doanh nghiệp biết tận dụng và phát huy.

NAT (Theo tintuctonline.vietnamnet.vn)

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

Hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu: Chúng tôi phản hồi

Nhà thuốc Mỹ Châu đang là tâm điểm của dư luận khi gần đây liên tục chịu nhiều thông tin bất lợi.
Sự việc bắt đầu từ ngày 7-1 khi Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đồng loạt kiểm tra kho và 14 nhà thuốc của doanh nghiệp này.
Ngày 5-4 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã có quyết định cuối cùng về việc xử phạt một số nhà thuốc Mỹ Châu. Tuy nhiên, chúng tôi, lãnh đạo của Công ty Cổ phần Dược Minh Phúc - quản lý chuỗi nhà thuốc Mỹ Châu sẽ tiếp tục kêu cứu, khiếu nại để bảo vệ uy tín của mình. Để công luận hiểu rõ hơn sự kiện này, chúng tôi xin chia sẻ một số quan điểm chính sau đây:
Nhà thuốc Mỹ Châu 1 được thành lập từ năm 1987, là một công việc kinh doanh mang tính truyền thống của gia đình. Sau quá trình phát triển đã có thêm tám nhà thuốc Mỹ Châu khác nữa và hoạt động với tư cách hộ kinh doanh cá thể.
Với mong muốn được phát triển chuỗi cửa hàng dược phẩm chuẩn theo mô hình của thế giới, góp phần mang lại dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, chúng tôi có kế hoạch mở rộng hoạt động. Vì vậy, chúng tôi quyết định mua lại Công ty Minh Phúc từ tháng 4-2009 để phát triển nhà thuốc Mỹ Châu thành chuỗi thống nhất. Theo đánh giá của chúng tôi, tài sản lớn nhất của Minh Phúc là đã có sẵn chuỗi nhà thuốc mang thương hiệu Y Đức với đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên vì nhiều lý do, công ty này đã không kinh doanh thành công.

Nhà thuốc Mỹ Châu vẫn nhộn nhịp khách hàng.
Khi mua lại Công ty Minh Phúc, chúng tôi phải cam kết tiếp nhận toàn bộ tài sản của công ty này từ hàng hóa, cơ sở vật chất đến nhân sự. Trong đó có cả một lượng lớn dược phẩm quá hạn, gần hết hạn sử dụng hoặc kém chất lượng. Các loại hàng hóa này, chúng tôi đưa vào khu biệt trữ của kho chờ kiểm tra, đánh giá, phân loại và để chờ xin phép xử lý.
Tôi xin khẳng định rõ lượng hàng này nằm trong khu biệt trữ của kho chứ không phải trên quầy kinh doanh của nhà thuốc. Do đó, chúng tôi không phạm tội bán hàng quá hạn, kém chất lượng cho người tiêu dùng với số lượng lớn như cách mà một số nguồn thông tin đã đưa.
Với một công ty vừa được mua lại và một lượng hàng hóa lớn, chúng tôi cần nhiều thời gian để tái cấu trúc chứ không thể chỉ một hai ngày. Đồng thời, làm sao cho hệ thống cũ và mới vận hành hài hòa lẫn nhau để tiếp tục phát triển là cả một áp lực vô cùng nặng nề. Sau khi mua Công ty Minh Phúc và sát nhập hệ thống nhà thuốc Y Đức, chúng tôi có tổng cộng 14 nhà thuốc Mỹ Châu. Theo lẽ bình thường, chúng tôi cần khoảng hai năm để có thể thay đổi toàn bộ những hạn chế của hệ thống cũ, đồng thời hoàn tất xây dựng chuẩn quản lý mới. Hiện Minh Phúc đang dồn mọi nỗ lực để phát triển theo hướng này.
Trong điều kiện đầy áp lực với khối lượng công việc khổng lồ, như bất kỳ doanh nghiệp đang phát triển nào, sự sai sót trong quản lý, quản trị, vận hành chúng tôi chắc chắn có, dù khách quan hay chủ quan. Nhưng sai sót như thế nào, nguyên nhân, động cơ và tác hại ra sao, chúng tôi rất mong được nhìn nhận đúng bản chất của sự việc, được thấu hiểu và chia sẻ.
Bên cạnh Công ty Minh Phúc, Công ty Lan Khuê đã được thành lập từ năm 2003, chuyên nhập khẩu và phân phối thuốc cho nhiều nhà thuốc trên toàn quốc, trong đó có hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu. Đây là công ty có pháp nhân rõ ràng, hoạt động hợp pháp. Chúng tôi tin rằng những ai hiểu biết về môi trường kinh doanh đều thấy quá trình thành lập và phát triển của Công ty Lan Khuê, Minh Phúc và chuỗi nhà thuốc Mỹ Châu như chúng tôi vừa trình bày là hoàn toàn bình thường, lành mạnh.
Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực bảo vệ và khẳng định uy tín của thương hiệu Mỹ Châu, sẵn sàng chứng minh mọi sản phẩm và hoạt động kinh doanh của chúng tôi là hợp pháp. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phấn đấu phát triển sản phẩm, dịch vụ, quy trình kinh doanh để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, xứng đáng với lịch sử 23 năm và niềm tin của hàng chục triệu lượt khách hàng đã dành cho.
LÊ ĐÌNH BÁCH, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Minh Phúc

Bị phạt vì hàng quá hạn dùng, nhà thuốc kêu oan

Khẳng định số thuốc mà Quản lý thị trường xử phạt vì quá hạn dùng là loại đang chứa tại "khu biệt trữ" để chờ xử lý chứ không phải đang bày bán, đại diện chuỗi nhà thuốc Mỹ Châu (TP HCM) cho biết sẽ gửi đơn khiếu nại.
> Nhà thuốc lớn TP HCM chứa hàng quá hạn sử dụng

Ngày 7/1, 18 nhà thuốc trong chuỗi nhà thuốc Mỹ Châu thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Phúc đồng loạt bị quản lý thị trường TP HCM kiểm tra.

Theo biên bản làm việc, cơ quan chức năng phát hiện tại kho chứa thuốc của nhà thuốc Mỹ Châu 2 có lượng lớn gồm thuốc, thực phẩm quá hạn sử dụng và không có nguồn gốc. Căn cứ vào các vi phạm, Mỹ Châu bị xử phạt hành chính hơn 50 triệu đồng và buộc tiêu hủy nhiều mặt hàng hết hạn, kém chất lượng.

Theo bà Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Phúc - chủ chuỗi nhà thuốc Mỹ Châu, quyết định xử phạt là quá nặng so với sai sót thực.

Bà Châu khẳng định, lượng hàng quá hạn dùng được phát hiện trên quầy bán chỉ có một hộp tân dược Pantonim-kit, 2 chai Acemol Enfnt và 16 gói tạo men tiêu hóa Dobio Granules, tổng giá trị chỉ vài nghìn đồng.

"Lượng lớn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm còn lại bị xử phạt do quá hạn dùng, trong thời điểm kiểm tra đều nằm trong khu biệt trữ vốn chứa hàng cận date, quá date chờ xử lý", bà Châu nói.

Cũng theo Chủ tịch hội đồng quản trị Minh Phúc, công ty đã nhiều lần giải trình với Chi cục Quản lý thị trường TP HCM việc "khu biệt trữ" chỉ chứa thuốc chờ xử lý chứ không bán cho người bệnh, nhưng quyết định xử phạt vẫn ghi tội danh.

Về phía cơ quan quản lý thuộc ngành y tế, đại diện phòng quản lý dược và thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết họ chưa có ý kiến vì việc kiểm tra xử lý hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu từ đầu đã do phía Chi cục Quản lý thị trường thực hiện.

Thiên Chương

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Thông tin báo chí

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC MINH PHÚC

logo_title_mychau.jpg

TP.HCM, ngày 13/4/2010

THÔNG CÁO

Nhà thuốc Mỹ Châu tiếp tục khiếu nại quyết định của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM

Ngày 12/4/2010 , Công ty Cổ phần Dược Minh Phúc – Chuỗi nhà thuốc Mỹ Châu (sau đây được gọi tắt là Mỹ Châu) đã chính thức gởi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Ban Tuyên giáo Trung Ương, Vụ Báo chí, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Y tế, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM, Cục Quản lý thị trường. Đây là đơn kêu cứu của Mỹ Châu sau quyết định xử phạt ngày 5/4/2010 của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đối với hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu. Bà Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược Minh Phúc cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền vì những kết luận xử phạt của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM dành cho Mỹ Châu quá nặng so với sai sót thực sự của đơn vị mình, đặc biệt, là quá nặng về các tội danh như “bán hàng quá date”, “kém chất lượng”…, dẫn đến rất nhiều tổn thất về uy tín.

Bà Lê Thị Mỹ Châu khẳng định: “Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đã thu giữ rất nhiều hàng hoá được cất giữ trong khu biệt trữ (khu lưu giữ riêng dành cho hàng hoá chờ xử lý) tại kho của Công ty Cổ phần Dược Minh Phúc và một số nhà thuốc của Mỹ Châu, điển hình là nhà thuốc Mỹ Châu 2 tại 338 Lê Văn Sĩ, Q.3, TP.HCM. Đây vốn là hàng hoá tồn kho được bàn giao từ quá trình mua Công ty Minh Phúc cũ. Số hàng hoá này sau đó, không hiểu cách công bố thông tin từ cơ quan chức năng ra sao, khiến báo chí rầm rộ truyền thông rằng Mỹ Châu bán hàng quá date, hàng kém chất lượng với số lượng lớn. Số lượng hàng quá date được phát hiện trên quầy trên thực tế rất nhỏ, chỉ có 01 hộp thuốc tân dược Pantonim-kit, 02 chai thuốc tân dược Acemol Enfant và 16 gói tạo men tiêu hoá Dobio Granules, tổng giá trị chỉ vài ngàn đồng”.

Đồng thời, bà Lê Thị Mỹ Châu cũng khẳng định, tất cả hàng hoá của Mỹ Châu đều có đầy đủ giấy tờ, văn bản chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Dó đó, Mỹ Châu hoàn toàn không phạm tội danh buôn lậu như nhiều đơn vị báo chí đã nêu.

Đối với nguy cơ bị đóng cửa nhà thuốc Mỹ Châu 4 (73 Thuận Kiều, P.12, Q.5, TP.HCM), bà Mỹ Châu cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại vì đơn vị này không có sai phạm nghiêm trọng so với hình thức kỷ luật trên.

Trong thời gian qua, Mỹ Châu đã phải gánh chịu rất nhiều tổn thất vì những luồng thông tin không rõ ràng từ cách cơ quan chức năng và một số đơn vị báo chí. Do đó, để rộng đường dư luận, Mỹ Châu sẵn sàng cung cấp cho báo chí và công luận tất cả văn bản, tài liệu, giấy tờ có liên quan để chứng minh bản chất thực sự của sự việc này. Đại diện của Mỹ Châu cũng sẵn sàng phản hồi mọi chất vấn thoả đáng của báo chí, công luận xung quanh vụ việc.

Thông tin chi tiết và mọi trao đổi thêm, xin vui lòng liên lạc với cô Phạm Hoa Lài, Tổng giám đốc Công ty Plan A Communications, đơn vị đại diện truyền thông của Mỹ Châu, số ĐT: 0903.918770.